Có nhiều nguyên nhân dẫn đến dậy thì sớm

Theo BS CK I Nguyễn Văn Hùng, Bệnh viện đa khoa Đống Đa, thông thường, ở bé gái, tuổi dậy thì bắt đầu từ độ tuổi 8-12 và ở các bé trai là 9-14 tuổi. Tuổi dậy thì sớm đối với bé gái là trước 8 tuổi và và đối với bé trai là trước 9 tuổi.

Nguyên nhân khiến trẻ dậy thì sớm như hiện nay là do nhiều nguyên nhân. Chế độ dinh dưỡng là một trong những yếu tố tác động đến tuổi dậy thì. Trẻ mắc bệnh béo phì cũng thường dậy thì sớm hơn so với trẻ cùng tuổi, trẻ thiếu chất dinh dưỡng thường dậy thì muộn hơn. Ô nhiễm môi trường sống, vấn đề về thực phẩm… cũng có thể tác động đến nội tiết và ảnh hưởng đến tuổi dậy thì ở trẻ.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến trẻ bị dậy thì sớm mà nhiều phụ huynh thường bỏ qua đó là trẻ sớm được tiếp xúc với nhiều hình ảnh dành cho người lớn từ các sách báo, phim ảnh. Chính những hình ảnh này đã tác động lên tuyến yên, buồng trứng và tử cung làm bé gái dậy thì sớm.

Theo BS Hùng, biểu hiện dậy thì sớm ở bé gái ngực nhú lên thành những cục nhỏ dưới núm vú, ở một hoặc hai bên. Những cục này có thể cứng và có kích thước khác nhau, thời điểm này trẻ thường bắt đầu cao nhanh. Trong giai đoạn dậy thì, chiều cao của bé gái thường cao vọt tới 7 - 8cm mỗi năm và đạt đỉnh điểm khi kỳ kinh đầu tiên xuất hiện. Sau khoảng 6 tháng, lông mu xuất hiện (mặc dù ở một số trẻ, mọc lông mu lại là biểu hiện đầu tiên của dậy thì), rồi đến lông nách.

Đồng thời cơ quan sinh dục ngoài tăng trưởng dần dần, dẫn tới kỳ kinh nguyệt đầu tiên, đây chính là giai đoạn “khủng hoảng về tâm lý” đối với bé gái khi phát hiện cháy máu bất thường ở vùng kín. Sau đó, cơ thể trẻ tiếp tục phát triển và toàn bộ quá trình dậy thì hoàn tất sau 3 - 4 năm, với ngực, quầng vú và lông mu phát triển như ở người lớn.
Dậy thì sớm phát sinh nhiều căn bệnh

Một nghiên cứu của các nhà khoa học được thực hiện tại Đại học Cambridge (Anh) đã phát hiện ra rằng, với những bé gái dậy thì sớm, sức khỏe sau này sẽ bị những ảnh hưởng nhất định.

Cụ thể là các em sẽ có nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, bệnh tim hoặc các bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư dạ con, ung thư buồng trứng, ảnh hưởng sinh sản… cao hơn so với trẻ dậy thì đúng lứa tuổi.

Một nghiên cứu khác của Viện nghiên cứu ung thư tại Anh cũng đưa ra kết luận tương tự rằng: việc phát triển ngực ở trẻ em từ 10 tuổi hoặc trẻ hơn làm tăng nguy cơ ung thư vú đến 20%. Dậy thì sớm ở bé trai còn là căn nguyên gây nên bệnh vô sinh.

Ngoài ra trẻ dậy thì sớm dẫn đến bị tự kỉ, trầm cảm. Trẻ có tâm trạng không ổn định, dễ cáu gắt, thích thể hiện cái tôi, dễ mắc sai lầm và đua đòi theo những việc làm xấu, có nhu cầu tình dục theo bản năng chứ chưa nhận thức được nên dễ bị mắc sai lầm hoặc bị kẻ xấu lợi dụng.

Bố mẹ nên làm gì khi có con dậy thì sớm

Rất nhiều trẻ khi thấy hiện tượng kinh nguyệt lần đầu tiên đã lo sợ, hoảng loạn, nhiều trẻ còn tưởng mình sắp chết vì trước đó chưa được trang bị kiến thức về chuyện này. Khi trẻ chuẩn bị bước vào tuổi dậy thì cha mẹ chính là kênh kiến thức tư vấn, chia sẻ tâm tư về chăm sóc sức khỏe cho các bé. Để trẻ biết cách tránh bị lạm dụng tình dục và mang thai ngoài ý muốn.

Theo bác sĩ Hùng ngoài việc các bà mẹ cần chuẩn bị tâm lý, kiến thức cho trẻ, đồng thời hướng dẫn trẻ cách giữ vệ sinh hằng ngày trong những ngày có kinh nguyệt. Khi mới có kinh, chu kỳ kinh thường không đều, có thể 3-4 tháng sau mới lặp lại nên cũng cần đề cập để trẻ bớt lo lắng.

Với những trường hợp ra huyết nhiều, các bà mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị vì ra huyết nhiều sẽ làm trẻ mệt mỏi, thiếu máu.

Theo : afamily.vn