Các bệnh viện khó kiểm soát nhiễm khuẩn do thiếu nước

Theo TS.Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, trong những ngày qua bệnh viện trong tình trạng mất nước liên tục khiến cho hàng chục ca mổ cấp cứu đứng trước nguy cơ nhiễm trùng vì thiếu nước sạch để kiểm soát nhiễm khuẩn.

Hiện nay, nhiễm khuẩn (NK) bệnh viện (BV) là một trong các nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh, làm tăng tỉ lệ người bệnh tử vong, tăng biến chứng, tăng ngày nằm điều trị, tăng mức sử dụng kháng sinh, tăng sự kháng thuốc của vi sinh vật, tăng chi phí dùng thuốc và tăng gánh nặng bệnh tật cho cả người bệnh và hệ thống y tế.

Bệnh viện nơi lưu trú các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nên hàng ngày rất cần nhu cầu tắm, giặt, rửa… rất cần thiết. Tại các bệnh viện, tất cả các dụng cụ y tế, quần áo, chăn ga đều phải hấp, sấy, giặt, đảm bảo vô trùng... Nếu bệnh viện bị thiếu nước sạch dùng thì sẽ đứng trước nguy cơ bị nhiễm khuẩn do những vật dụng đó không được vệ sinh đúng cách. Cũng chính bởi nguyên do này mà vừa qua, nhiều sản phụ ở bệnh viện Phụ sản Hà Nội phải hoãn sinh vì bệnh viện không đủ nguồn nước sạch đảm bảo.

Thiếu nước tăng nguy cơ các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa

Không chỉ có các bệnh viện, một số khu vực dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng không có nước sinh hoạt do tình trạng trên. Tại ngõ 196 Tân Triều (Triều Khúc - Thanh Trì - Hà Nội), rất nhiều hộ dân đang phải gồng mình chống chọi với việc thiếu nước trong những tháng qua.
Nhiều hộ gia đình phải dùng tất cả xong, nồi, xô, chậu, bất kể những vật dụng gì có khả năng để dùng chứa nước sinh hoạt… Tuy nhiên việc chứa nước như thế này có thể lại là nguy cơ gây ra các bệnh truyền nhiễm phải kể đến là bệnh sốt rét, sốt dengue, sốt xuất huyết dengue, bệnh giun chỉ... Côn trùng truyền bệnh trung gian là các con muỗi, trong đó nước đóng vai trò là môi trường sống của các sinh vật truyền bệnh. Và tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn hệ tiêu hóa gây ra các bệnh như tiêu chảy, kiết lỵ.

Rất nhiều nghiên cứu trên thế giới đã kết luận rằng chất lượng nước và dung lượng nước sinh hoạt có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe con người. Thiếu nước cũng gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe đặc biệt là sự phát sinh và lây nhiễm các bệnh về da, mắt và các bệnh truyền qua đường phân miệng. Ước tính trên thế giới có khoảng 6 triệu người bị mù do bệnh đau mắt hột và khoảng 500 triệu người có nguy cơ bị mắc bệnh này. Trên toàn cầu, 15% bệnh nhân bị nhiễm trùng trong thời gian nằm viện, ở các nước có thu nhập thấp tỷ lệ này cao hơn nhiều.

Theo BSCKI. Ngô Cao Lẫm, Trung tâm y tế dự phòng thành phố Hồ Chí Minh, việc thiếu nguồn nước sạch trong sinh hoạt sử dụng là điều kiện thuận lợi cho các bệnh có liên quan đến nguồn nước phát triển mạnh.

Các bệnh lây qua đường tiêu hóa như tả, lỵ, tiêu chảy, thương hàn, viêm gan A, bại liệt... thường xảy ra do phân của người bệnh thải ra môi trường do không rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi vệ sinh cho trẻ nhỏ, sau đó cầm thức ăn lên ăn, thức ăn đã bị ruồi, gián, côn trùng động vào, nước uống không được đậy kín. Những đối tượng dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm chủ yếu là trẻ nhỏ, bởi sức đề kháng của trẻ còn yếu, mặt khác, các bậc cha mẹ chưa có cách phòng ngừa khoa học bị ruồi, gián, côn trùng động vào, nước uống không được đậy kín. Ở những nơi thiếu nước sạch, mọi người thường không rửa tay, do đó làm tăng thêm khả năng tiêu chảy và các bệnh khác.

Ngoài việc thiếu nước còn dẫn đến các bệnh về mắt, bệnh ngoài da, bệnh phụ khoa. Đa phần các bệnh về mắt, bệnh ngoài da và bệnh phụ khoa có thể lây truyền sang người khỏe mạnh qua nước.

Để phòng tránh các bệnh này cần có nguồn nước sạch sử dụng hàng ngày, đồng thời thực hiện vệ sinh cá nhân tốt, tắm rửa, giặt giũ luôn dùng xà phòng và nước sạch; thay quần áo hàng ngày.

Vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức về việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước. Các dụng cụ chứa nước giữ sạch sẽ, có nắp đậy. Không tích trữ nước quá lâu ngày.

Theo : afamily.vn