Chào bác sĩ, em có một chuyện rất tế nhị muốn được tư vấn như sau. Em có "quan hệ" với 2 bạn trai (điều này đáng xấu hổ nhưng một người em đã chia tay mới đây). Em nghe nói, có nhiều bạn tình sẽ tăng nguy cơ bị các bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục. Em muốn hỏi điều này có đúng không vì em thấy bạn trai em, anh nào cũng khỏe mạnh. Hiện tại, mặc dù em không thấy có dấu hiệu bất thường nào nhưng em rất lo lắng và muốn đi khám xem mình có bị bệnh nào không. Bác sĩ cho em hỏi, cần xét nghiệm những loại bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục nào và bao lâu kiểm tra một lần? Em xin cảm ơn! (Trúc Ly)

Trả lời:

Bạn Trúc Ly thân mến!

Trước hết, phải nói với bạn rằng, đúng như những gì bạn biết, nếu có quan hệ tình dục với càng nhiều bạn tình thì nguy cơ lây nhiễm những bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục (STIs) càng cao. Bạn cần biết rằng, nếu có nhiều bạn tình thì càng cần cần sử dụng biện pháp bảo vệ và kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm đầy đủ. Điều này rất quan trọng bởi mọi người có thể bị nhiễm trùng qua đường tình dục (STI) mà không hay biết bởi trong nhiều trường hợp, bệnh không có dấu hiệu hoặc triệu chứng cụ thể xuất hiện ra ngoài.
Việc bạn nên làm những xét nghiệm STIs nào, bao lâu làm 1 lần thì còn tùy thuộc vào tuổi tác, hành vi tình dục của bạn và nhiều yếu tố nguy cơ khác, ví dụ như lối sống của bạn...

Dưới đây là một số hướng dẫn để xét nghiệm STI cho các bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục đặc trưng:

- Chlamydia (bệnh lây qua đường tình dục do vi khuẩn Chlamydia trachomatis) và bệnh lậu: Nên làm kiểm tra hàng năm.

Việc kiểm tra Chlamydia và bệnh lậu được thực hiện hoặc qua xét nghiệm nước tiểu hoặc qua một miếng gạc đặt trong cổ tử cung ở phụ nữ. Sau đó mẫu này được phân tích trong phòng thí nghiệm. Việc kiểm tra rất quan trọng, vì nếu không có dấu hiệu hoặc triệu chứng, có thể bạn không biết mình bị loại bệnh nào.

- HIV, giang mai và viêm gan: Bạn nên xét nghiệm HIV hàng năm nếu bạn có nguy bị lây nhiễm cao.

Yêu cầu xét nghiệm HIV, giang mai và viêm gan nếu bạn: Có kết quả kiểm tra dương tính với bệnh lậu hoặc Chlamydia, yếu tố đặt bạn vào nguy cơ cao về các bệnh STI khác; Có nhiều hơn một bạn tình kể từ lần xét nghiệm gần nhất; Sử dụng thuốc tiêm qua đường tĩnh mạch...

- Bệnh mụn giộp ở bộ phận sinh dục: Bác sĩ có thể phải nạo mô hay cấy vi khuẩn của các mụn giộp hoặc vết loét ban đầu, nếu bạn có chúng, để kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Bạn cũng nên làm xét nghiệm này 1 lần mỗi năm.

Dù vậy, kết quả có thể không hoàn toàn rõ ràng, phụ thuộc vào độ nhạy của các xét nghiệm và giai đoạn nhiễm trùng. Các kết quả dương tính giả và âm tính giả vẫn có thể xảy ra.

- HPV (virus gây u nhú ở người, có hơn 100 loại): Mẫu cho các xét nghiệm HPV được thu thập từ các ống thuộc cổ tử cung. Xét nghiệm này thường không được áp dụng cho phụ nữ dưới 30 tuổi, vì tình trạng các bệnh HPV cuối cùng sẽ tự tiêu tan là rất phổ biến ở lứa tuổi này.

HPV cũng liên quan đến ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật và hậu môn. Các vắc-xin có thể bảo vệ cả nam giới và nữ giới khỏi một số loại HPV, nhưng chúng có hiệu quả nhất khi được sử dụng trước lúc bắt đầu có sinh hoạt tình dục.

Bạn nên đi khám để được tư vấn thêm tình trạng sức khỏe của mình cũng như những xét nghiệm cần thiết. Bên cạnh đó, bạn cũng cần chú ý áp dụng các biện pháp bảo vệ khi có quan hệ tình dục để tránh lây bệnh.


Theo : afamily.vn