Theo bài báo được xuất bản trên tạp chí y học toàn cầu Nature, một nghiên cứu y học mới đây cho thấy, mầm mống của bệnh Alzheimer - chứng mất trí nhớ có thể lây từ người này sang người kia qua đường máu sau khi nghiên cứu trên nhóm bệnh nhân mắc bệnh bò điên ở người. Nghiên cứu này đã dấy lên các câu hỏi xung quanh vấn đề an toàn y tế hiện nay.
Khi nghiên cứu nhóm 8 người mắc bệnh bò điên ở người (Creutzfeldt Jakob Disease - CJD) trong độ tuổi 36 tới 51 và từng được tiêm hoóc-môn tăng trưởng khi còn trẻ, các nhà khoa học nhận thấy, khả năng bị lây bệnh Alzheimer ở họ là rất cao. Kết quả khám nghiệm tử thi sau khi qua đời cho thấy, não bộ của 7 trong tổng số 8 trường hợp đều chứa protein cuốn nhầm liên kết với tế bào giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer.

Tiến sĩ John Collinge, Trưởng khoa Thoái hóa Thần kinh, Đại học London cho biết, mặc dù không có tế bào Alzheimer giai đoạn cuối nhưng những người này vẫn có thể mắc bệnh. Được biết, các phân tử protein của bệnh bò điên ở người và bệnh Alzheimer bám vào bề mặt kim loại có thể sống sót trong môi trường tiệt trùng như khử trùng bằng phoóc-môn hay hơi nước.

Câu hỏi xoay quanh thông tin này vẫn là liệu các tế bào mang bệnh có thể lây lan qua các dụng cụ y tế trong phẫu thuật hay nha khoa cũng như truyền máu hay không. Tuy nhiên, dựa trên những nền tảng y học có sẵn, Giáo sư Collinge khẳng định không thể nói Alzheimer là căn bệnh có thể lây được vì những phát hiện mới vẫn chỉ là sơ bộ.

Hơn thế, nghiên cứu trên 8 người bệnh vẫn là con số quá ít để đưa ra kết luận cuối cùng. Vì vậy, bà Sally Davies, Bộ trưởng Bộ Y tế Anh cho biết, hiện nay vẫn chưa có bằng chứng xác thực được liệu căn bệnh mất trí nhớ có thể lây nhiễm ở người hay qua các dụng cụ y tế hay không. Một lần nữa, bà cũng đảm bảo người dân sẽ được bảo vệ tuyệt đối để giảm thiểu nhiễm khuẩn trong phẫu thuật.

Theo : afamily.vn