Gần đây, những thông tin về biện pháp “bắt con sâu răng” bằng cách nung nóng hòn gạch và thổi vào ống đang được nhiều người chia sẻ trên các mạng xã hội. Theo những người “tuyên truyền” thì cách này đơn giản, dễ làm. Bằng chứng về chuyện "bắt con sâu răng" mà những người này đưa ra là hình ảnh những con sâu rơi ra qua miệng ống xông sau mỗi lần áp dụng phương pháp kể trên. Cũng theo chia sẻ đang lan truyền này thì mỗi người chỉ vài lần là khỏi hẳn, không tái phát cũng không cần đến các cơ sở khám răng. Vậy thực hư chuyện này như thế nào?
Tìm đến thầy lang nhờ... "bắt con sâu răng"
Thay vì tìm đến bác sĩ nha khoa mỗi khi răng bị nhức, nhiều người lại tìm đến nhà thầy lang để nhờ "bắt con sâu răng" với suy nghĩ: "bắt con sâu răng hiệu quả nhanh mà lại không đau.

Theo lý giải của những người áp dụng phương pháp này thì họ học cách "bắt con sâu răng" từ các thầy lang. Cụ thể để bắt con sâu răng, chỉ cần nhóm lửa từ một bếp củi sau đó bỏ viên gạch vào đốt cho đến khi đỏ hồng thì mang ra.

Chờ khoảng 30 phút khi viên gạch đã đỏ hồng trên bếp củi, gắp bỏ vào một chiếc chậu nhựa, trong đó đã có sẵn một hòn đá khác để bỏ viên gạch lên trên. Kế tiếp, bỏ một nhúm thuốc màu đen lên trên viên gạch đang đỏ hồng rồi nhanh tay úp chiếc phễu sắt có gắn một chiếc ống tre dài. Sau khi có khói bốc lên, thì người bệnh ngậm miệng vào ống tre, để cho khói xông vào từng kẽ răng, chỗ sâu răng rồi để nước dãi chảy ra theo chiếc phễu là con sâu răng sẽ chui ra theo phễu xuống chậu nước. Bắt buộc phải nung gạch bằng củi, ngoài ra không được nung bằng thứ gì vì sẽ mất tác dụng.

Mỗi lần ngậm khói thuốc có thời gian từ khoảng 10-15 phút, cho đến khi viên gạch hết đỏ, thuốc cháy hết sau đó xúc miệng lại bằng nước sạch.

Lý giải về chuyện dùng gạch nung lên kết hợp ống khói để bắt sâu răng, TS. BS Kiểm, Trưởng khoa Nội bệnh viện Xanh Pôn, nhấn mạnh điều này không có cơ sở khoa học, có thể những thầy lang này đã dùng thuốc giảm đau hoặc thuốc làm chết tủy nên cảm giác đau nhức tạm thời bị hết. Với hình dạng như miêu tả, "con sâu răng" có lẽ là những con giòi. Loại giòi này có thể bám vào bất cứ chỗ nào trong quá trình thao tác của các thầy lang, do người bệnh không để ý.
Cẩn thận kẻo tiền mất tật mang

Theo TS.BS Kiểm, trong răng chỉ có tủy răng. Trên thực tế, răng sâu là hậu quả của 3 yếu tố: men răng yếu, vi khuẩn xâm lấn và thức ăn tồn đọng. Sâu răng là hiện tượng xảy ra khi không vệ sinh răng miệng sạch sau khi ăn, các chất dinh dưỡng bám vào răng. Trong điều kiện yếm khí, các vi khuẩn sẽ lên men thức ăn và sinh ra axit làm mòn răng, tạo những ổ sâu. Sâu răng là do cả quá trình lên men do đó không thể có “con sâu răng” nào có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Khi thức ăn dính trên bề mặt răng (đặc biệt là đường và tinh bột), vi khuẩn sẵn có trong miệng sẽ phân hủy thức ăn đó. Với những người cơ địa men răng yếu, nó sẽ gây hoại tử tổ chức răng dẫn đến sâu răng.

Việc sử dụng phương pháp "bắt con sâu răng" như nói trên rất nguy hiểm do dụng cụ sử dụng không được khử trùng, khi đưa vào miệng chúng ta sẽ dễ dẫn đến các loại nhiễm khuẩn. Trong khi đó, người bệnh đang bị đau răng, cộng với bị nhiễm thêm các vi khuẩn từ các dụng cụ bẩn sẽ càng nguy hiểm. Bởi các vi khuẩn cứ thế từ từ ăn sâu vào bên trong răng, theo đường tủy đi xuống phần xương bên dưới và ăn lan ra xung quanh sẽ gây nên các biến chứng về răng như viêm tủy răng, viêm quanh cuống răng làm cho việc ăn uống khó khăn, ngủ không yên giấc. Ngoài ra, cách làm này còn có thể gây ra viêm mô tế bào, viêm hạch, viêm xương tủy hàm khi viêm lan rộng gây nhiễm xuất huyết, thậm chí gây viêm màng não rất dễ gây tử vong.

Mặt khác, nhiễm khuẩn ở quanh cuống răng có thể gây rối loạn ở xa, ví dụ như ở khớp xương, ở tim, ở thận hoặc duy trì và làm cho bệnh thêm nặng.

Bên cạnh đó, việc hít một lượng khói mà không biết có độc hại hay không cũng cần phải cân nhắc thật kỹ, nếu không sẽ có nguy cơ lây nhiễm bệnh qua đường hô hấp.

Vì thế, người bệnh khi bị sâu răng tốt nhất nên đến các bác sĩ nha khoa để kiểm tra và có những phương pháp điều trị thích hợp, không nên tin vào những trò chữa bệnh theo kiểu truyền tai thiếu cơ sở khoa học này để rồi tiền mất tật mang.
Đề phòng bệnh sâu răng một cách khoa học
Lời khuyên nói chung của các chuyên gia sức khỏe về biện pháp phòng ngừa sâu răng là không nên ăn vặt, nhất là thức ăn có đường, nên súc miệng ngay sau khi ăn hay uống đồ ngọt. Chải răng mỗi ngày 2-3 lần, tốt nhất là buổi sáng khi thức dậy, sau các bữa và trước khi đi ngủ. Nên dùng kem đánh răng có fluor.

Tuy nhiên không nên đánh răng ngay sau khi ăn và uống nước trái cây, vì khi đó lớp men răng đang mềm hơn do tác dụng của axit hữu cơ trái cây, bàn chải sẽ mài mòn men răng. Đợi khoảng 30 phút sau để nước bọt có thời gian phục hồi và cân bằng chất khoáng của răng rồi hãy chải răng.

Với những người hay có bệnh lý về răng nên đi khám nha khoa định kỳ 6 tháng/lần. Đôi khi có những lỗ sâu rất nhỏ hoặc ở góc khuất, chỉ có bác sĩ mới phát hiện ra và điều trị kịp thời.

Theo : afamily.vn