Đây là một cuốn sách giúp mình thoát ra khỏi giai đoạn Reading Slump.
Cuốn sách bao gồm 301 lá thư tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi cho cô gái Huế có tên là Ngô Vũ Dao Ánh. Theo như mình được biết và cũng thông qua chính những lá thư này, Dao Ánh chính là người tình đặc biệt nhất của nhạc sĩ.
Lá thư đầu tiên được viết vào năm 1964 và năm 2001 chính là năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết lá thư cuối cùng gửi nàng thơ của mình. Những lá thư không được viết liên tục trong suốt ngần ấy năm nhưng đã kéo dài ngần ấy năm khiến cho mình cảm thấy được sự trân trọng rất lớn của nhạc sĩ dành cho Ngô Vũ Dao Ánh.

Xem thêm: Review sách | ebook

Trịnh Công Sơn viết một câu rất hay để thể hiện nỗi nhớ của mình trong những lá thư: Anh nhớ Ánh lắm mà ngôn ngữ thì quá chật hẹp, quá cũ kỹ không chuyên chở nổi sự nhớ nhung này. Có thể tình cảm và nỗi nhỡ của nhạc sĩ dành cho người mình thương là lớn hơn rất nhiều thế nhưng mình thấy điều đó đã được thể hiện rất rõ ràng qua những lá thư này rồi.
Có những lá thư nhạc sĩ viết rất dài kể về thời tiết, về cuộc sống, về mọi người xung quanh nhưng rồi cuối cùng cũng là để tạo cái cớ nói về nỗi nhớ Dao Ánh. Có những lá thư lại rất ngắn: Anh ở Đà Nẵng về chiều hôm qua. Rất nhớ Ánh. Tháng 7/1966, Trịnh Công Sơn. Hầu hết những lá thư ngắn được nhạc sĩ viết trong thời điểm mà rất lâu rồi không nhận lại được lá thư hồi âm của Dao Ánh, nó thể hiện sự dồn dập, mong ngóng. Nói sao nhỉ, thông qua những lá thư này, mình thấy tình yêu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là minh chứng rõ nét nhất cho một khái niệm: Yêu là nhớ. Còn nhớ là còn yêu. Đặc biệt trong hoàn cảnh 2 người ở xa, không thể thể hiện tình yêu một cách trực tiếp thì việc biên những lá thư tay với nỗi nhớ nhung trong đó là câu trả lời rõ ràng nhất cho tình yêu của họ.
Mình chưa tìm hiểu kỹ những lá thư gốc của nhạc sĩ nhưng những lá thư trong cuốn sách này được trình bày rất Trịnh Công Sơn, rất nhạc sĩ. Các câu nhạc sĩ viết rất ngắn, chia nhiều đoạn nhỏ, không bao giờ có một đoạn quá dài hay dài cả một trang mà có sự tách đoạn khá nhiều. Thậm chí có những lá thư không khác gì cách trình bày phần lyrics của một bài hát mà chúng ta thường thấy.
Cụ thể nếu các bạn có cuốn sách này trong tay thì có thể mở trang 92, lá thư viết vào ngày 16/11/1964. Chính sự tách đoạn đó tạo ra khoảng nghỉ cho mắt của người đọc và sẽ giữ người đọc ở lại với cuốn sách lâu hơn. Vì thế mình nghĩ rằng đây là cuốn sách tuyệt vời để kéo chúng mình ra khỏi reading slump. Chưa kể cứ vài trang lại có một trang ảnh trắng đen kèm theo những câu trích dẫn hay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Ngày xưa học văn cấp 3, mình có nghe rất nhiều về việc lời thơ lời văn của tác giả này, gợi hình, giàu tính nhạc,…Nói thật, hồi ấy viết vậy nhưng mình vẫn mơ hồ lắm, kiểu mình không cảm nhận được điều đấy một cách rõ ràng nhất. Cho đến khi đọc cuốn sách này, nghe nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết tên Dao Ánh. Chính xác là phải sử dụng động từ “nghe” bởi vì mình cảm nhận được rõ ràng tiếng gọi người tình của nhạc sĩ.
Một cái tên Dao Ánh thôi nhưng nhạc sĩ tha thiết viết ra bao nhiêu cách khác nhau: Dao Ánh. Dao Ánh. Dao Ánh. Ánh ơi hay Ánh. Ánh. Ánh. Nghe giọng mình diễn tả lại chắc nó sẽ mất đi vài phần cảm xúc nhưng mình nghĩ là cứ đọc sách và nghĩ rằng, sau nay ai mà gọi mình như thế, mình yêu luôn quá. (cười)
Ngoài ra, nếu như bạn là một người yêu nhạc Trịnh thì mình nghĩ càng nên đọc cuốn sách này vì những dòng thư gửi Ánh còn giúp giải mã rất nhiều ca từ, ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
MingReading.