Điểm mặt làng ô nhiễm
Đọc thêm: [replacer_a]
Hiện nay, theo tìm hiểu của phóng viên NTNN trên địa bàn TP.Hà Nội đang tồn tại hàng trăm cơ sở là những hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực thu mua và tái chế chất thải. Trong đó, tập trung đông nhất tại hai làng nghề: Triều Khúc (huyện Thanh Trì) và Trung Văn (quận Nam Từ Liêm).

Làng tái chế phế liệu thuộc xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, TP.Hà Nội gây ô nhiễm, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của bà con trên địa bàn. Ảnh: Hằng Nga
Theo thống kê, Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước với 1.350 làng nghề. Trong đó, có gần 300 làng nghề đã đăng ký và được công nhận. Hoạt động sản xuất của các làng nghề trên địa bàn đang thu hút gần 1 triệu lao động tham gia.
Vừa qua, Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) Hà Nội đã khảo sát và lấy mẫu phân tích trong phòng thí nghiệm về mức độ ô nhiễm của hai làng nghề này. Riêng với làng nghề nhựa Trung Văn, các cơ sở sản xuất nằm trong khu vực dân cư, sát với nhà dân. Khi các cơ sở sản xuất, phát sinh mùi, hơi hữu cơ như ép, kéo nhựa, cuộc sống của các hộ dân bên cạnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Quy trình sản xuất của hai làng nghề này vẫn theo phương pháp thủ công. Các chất thải tập hợp được cơ sở phân loại, rồi xay rửa (hoặc xay khô), không có hệ thống sấy mà được phơi khô ngoài trời và đưa vào thùng chứa tạo hạt.
Theo đó, làng nghề tái chế nhựa Triều Khúc tập trung vào 7 hộ gia đình và doanh nghiệp với số lao động khoảng 500. Làng nghề dây thừng nhựa Trung Văn có 103 hộ tham gia sản xuất với 350 lao động. Sản lượng sản xuất trung bình của làng nghề Triều Khúc và Trung Văn tương ứng khoảng 600 và 1.133 tấn/năm.
Ông Lê Tuấn Định - Phó Giám đốc Sở TNMT Hà Nội cho biết, từ kết quả khảo sát, đánh giá, phân loại của Sở tại các làng nghề tái chế nhựa cho thấy, các thông số đánh giá chất lượng môi trường nước có 5/10 chỉ tiêu thông số không đạt QCCP, môi trường không khí có 1/8 thông số không đạt QCCP. "Thành phần ô nhiễm trong nước thải từ các làng nghề có tiềm năng chứa các thành phần độc hại cao" - ông Định khẳng định.
Lập khu riêng để dễ kiểm soát
TS Đỗ Văn Mạnh - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường (đơn vị tham gia khảo sát và phân tích mẫu trong phòng thí nghiệm cùng Sở TNMT Hà Nội) cho biết, từ mẫu phân tích trong phòng thí nghiệm cho thấy, các hoạt động sản xuất kinh doanh của các làng nghề này ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của người dân.
Điều đáng báo động, các cơ sở này phần lớn đều nằm trong các khu dân cư, các khu vực thu mua phế liệu đều tiềm ẩn các nguy cơ về môi trường. Các làng nghề thuộc nhóm này cần hỗ trợ kinh phí cho việc thu gom phế thải, rác thải trong quá trình sản xuất của các hộ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh của làng nghề; hỗ trợ kinh phí để trạm xử lý nước thải trong làng nghề đi vào hoạt động.
“Với sự đặc thù của làng nghề tái chế chất thải, cần phải quy hoạch một khu vực riêng để tập trung thu mua, sản xuất. Khi đã hình thành được một khu vực riêng sẽ kiểm soát được những vấn đề về môi trường, khí thải, nước thải trong quá trình sản xuất của làng nghề. Ngoài ra, việc tập trung sản xuất vào một khu vực riêng thì Nhà nước cũng dễ dàng hơn trong công tác hỗ trợ và vận động người dân đầu tư đổi mới công nghệ tái chế... Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần phải tăng cường quản lý hoạt động sản xuất của các làng nghề, kiên quyết xử lý vi phạm thì mới mong đảm bảo môi trường sống cho người dân nơi đây” - TS Đỗ Văn Mạnh phân tích.