Mặc cơ quan chức năng tranh luận về việc cho tồn tại các căn hộ mini 25m2 có tạo ra khu “ổ chuột” hay không, các chủ đầu tư vẫn rầm rộ đưa ra thị trường các loại căn hộ nhỏ chỉ bằng một chỗ đỗ xe hơi. Phải “quản” căn hộ siêu nhỏ này hay cứ tranh cãi?

Diện tích căn hộ bằng chỗ đỗ xe hơi


Năm 2017, Bộ Xây dựng đồng ý cho một doanh nghiệp bất động sản (BĐS) tại TPHCM làm căn hộ 25m2 và đã tạo ra một làn sóng mới cho thị trường. Từ đó cho đến nay, căn hộ siêu nhỏ bắt đầu “nở rộ “ tại Hà Nội và TPHCM. Diện tích trung bình của mỗi căn vào khoảng 27m2 đến 37m2, bằng một chỗ đỗ xe hơi...

Gần đây, căn hộ siêu nhỏ lại có dấu hiệu “bùng phát” mọc ngay tại Hà Nội hướng tới bộ phận người mua nhà có thu nhập trung bình, giá “nhỉnh” hơn 300 triệu đồng.

Việc tồn tại các căn hộ “siêu nhỏ” về diện tích liệu có gây bất cập? Ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS cho biết, Bộ Xây dựng chuẩn bị ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về nhà chung cư. Trong thời gian chờ ban hành, đối với căn hộ chung cư thương mại có thể áp dụng tạm thời tiêu chuẩn diện tích tối thiểu không nhỏ hơn 25 m2 (tương đương quy định hiện hành về diện tích tối thiểu đối với căn hộ chung cư nhà ở xã hội) và đảm bảo thiết kế, xây dựng theo kiểu căn hộ khép kín.

Đánh giá về thị trường, Tổng giám đốc tại Việt Nam của JLL, Stephen Wyatt cho biết, nhu cầu bùng phát đối với căn hộ bình dân là chứng minh cho thấy, tiềm năng phát triển căn hộ siêu nhỏ tại TPHCM và Hà Nội. Hầu hết người mua nhà lần đầu chỉ đủ khả năng chi trả cho những căn hộ lớn hơn tại những khu chung cư xa trung tâm thành phố. Nhưng về tâm lý, người trẻ muốn sống ở một nơi tiện nghi, nên họ “vẫn muốn mua căn hộ siêu nhỏ” với đầy đủ tiện ích và kết nối cộng đồng.

Quản cách nào?


Ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam tỏ ra lạc quan hơn khi Bộ Xây dựng “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp xây căn hộ thương mại 25 m2. Ông Quang cho rằng, không nên quá lo ngại việc “lợi dụng” sự cho phép để làm căn hộ cao cấp 25 m2. “Thị trường nên có các sản phẩm đa dạng để người tiêu dùng lựa chọn. Nếu có cầu ắt sẽ có cung, còn nếu không cho phép thì chắc chắn không doanh nghiệp nào muốn làm”, ông Quang nhấn mạnh.

Còn ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam phân tích, việc trục lợi về diện tích căn hộ nhỏ chỉ xảy ra khi công tác quản lý nhà nước về quy hoạch không tốt. Chẳng hạn, chủ đầu tư có diện tích đất dự án cụ thể, họ sẽ xin chỉ tiêu về quy mô dân số cao, đồng thời dồn nén quy mô dân số cho vừa chỉ tiêu quy hoạch thông qua việc giảm tối đa diện tích các căn hộ.

“Để giảm thiểu điều này, cơ quan quản lý nhà nước cần công khai công tác quy hoạch, dự báo, quản lý tốt hơn để chống việc trục lợi của doanh nghiệp, không thể “một người đau bụng bắt cả làng uống thuốc”, làm ảnh hưởng đến quyền và nhu cầu nhà ở của người dân”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, dù là căn hộ nhỏ song diện tích vẫn phải đảm bảo chức năng của các phần không gian, công năng sử dụng của người sử dụng trong phạm vi phần sở hữu riêng, đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân. Khi diện tích căn hộ giảm, thì phần sở hữu riêng giảm, nhưng các chỉ tiêu kỹ thuật đã phê duyệt vẫn phải tuân thủ. Do đó, việc giảm diện tích căn hộ có ảnh đến người sử dụng, nhưng không ảnh hưởng đến hạ tầng chung của xã hội.