Phạm Quốc Liêm chọn làm nông nghiệp sạch lúc khái niệm này còn mới mẻ tại Việt Nam, từng bước xây dựng thương hiệu trong và ngoài nước.

11h, cơn nắng cực đỉnh của mùa hè miền Nam phả xuống trang trại hơn 411 ha ở Bình Dương. Núp dưới nhà kính kiên cố, những quả dưa lưới không cho thấy dấu hiệu bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Không có gì lạ bởi đây đã là năm thứ 8 tổng giám đốc Phạm Quốc Liêm “chơi đùa” cùng loại trái cây này. Từ khởi điểm khiêm tốn, giấc mơ của anh lớn dần khi diện tích ngày càng lấp đầy với nhiều loại cây mới mà trong đó chủ lực là chuối với tỷ lệ phân phối nội địa và xuất khẩu là 50:50.

Tốt nghiệp ngành hải quan, có trong tay bằng cử nhân về ngoại ngữ và quản trị kinh doanh, Liêm lại từ bỏ những cơ hội công việc tốt tại thành thị để đến vùng sâu làm nông nghiệp - nơi mà nhiều trí thức cùng thời của anh ngại ngùng với “chân lấm tay bùn” và một viễn cảnh không rõ ràng về tương lai. Nhưng mặc tất cả, Liêm đã xung phong được dấn thân khi nhìn thấy bản thảo dự án “nông nghiệp công nghệ cao” đặt trên bàn ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch U&I Group.

Câu chuyện bắt đầu vào một ngày mùa thu năm 2009.

Người thầy Israel

Aviel Sade bước giữa những bụi tre ngập đầy nắng của vùng đất Phú Giáo, Bình Dương. Đứng bên cạnh, Liêm giải thích về một mô hình nông nghiệp chưa định hình nhưng đầy hoài bão mà bấy giờ rất cần bàn tay của người đàn ông Israel cùng chung sức. Mảnh đất phía trước một bên trống trơn, một bên toàn tre, không gian hoang sơ và hoàn toàn thiếu bóng dáng con người. Nhưng một sức sống đã nảy lên từ cuộc ghé thăm định mệnh ấy. Aviel Sade quyết định bàn giao trang trại rộng lớn tại quê nhà để ở lại Việt Nam và giúp Liêm hiện thực hóa giấc mơ làm nông nghiệp sạch. Tag: máy quạt nước

Năm 2009 ấy, sóng điện thoại và wifi là hai thuật ngữ xa xỉ tại vùng đất này. Ngoài một số người dân địa phương, bạn đồng hành của Sade và Liêm là cây cối, đường đất đỏ, sinh lầy. Không điện, không sóng điện thoại, không máy lạnh nhưng chẳng ai kêu ca lời nào bởi từ ngày quyết định chọn con đường này, họ đã lường trước mọi khó khăn và cho đó là thường tình. Họ thuê một căn nhà của người dân địa phương và bắt đầu tuyển nhân công. Tuy nhiên, cứ dăm bữa nửa tháng lại có người xin nghỉ vì giấc mơ của không ít sinh viên nông nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là có một chỗ đứng yên vị tại một viện nông nghiệp nào đó chứ không phải để ra làm nông dân, lái máy cày hay suốt ngày ở trên đồng.

“Chúng tôi chỉ cần những người thật sự yêu nông nghiệp, sẵn sàng ra đồng, nói được tiếng Anh càng tốt, còn có tốt nghiệp ngành nông nghiệp hay không cũng không sao”, anh kể về tiêu chí tuyển người thuở ban đầu.

“Ông thầy” Israel trực tiếp đưa Liêm ra đồng, hướng dẫn cày, xới, quần nát cả cánh đồng, chống nạnh theo dõi từng thao tác của “cậu học trò”. Một tuần 6-7 ngày, mỗi ngày ba bữa, hai người sát cánh như hình với bóng. Lúc chuyên gia nhớ nhà, Liêm cùng ông uống bia, tán gẫu. Lúc Liêm thắc mắc về các quy trình, ông tận tình hướng dẫn như một người thân. Đó là điều mà chỉ cách vài tháng trước người con đất Bình Dương chưa từng tưởng tượng ra.


Aviel Sade là một chuyên gia nông nghiệp nổi tiếng, từng xây dựng thành công nông trại nhà kính trên vùng sa mạc Avara tại Israel mấy thập kỷ trước. Ông từng tham gia quân đội, có lúc làm thị trưởng, hiện là ông chủ của mấy chục ha nhà kính sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu đi châu Âu. Liêm muốn nhờ ông giới thiệu một nông dân giỏi để giúp mình trong những bước chập chững đầu tiên. Người đàn ông đến từ “quốc gia khởi nghiệp” không đưa ra một cái tên nào, ông muốn đến Việt Nam để tìm hiểu thực tế những điều mà chàng trai sinh năm 1981 kể cho ông. Vị chuyên gia dường như bắt gặp lại chính mình của cách đây nhiều năm, thời điểm ông là một chàng thanh niên hơn 20 tuổi khởi nghiệp với tất cả đam mê giữa bủa vây khó khăn. Câu chuyện của Liêm với Unifarm đã thuyết phục ông dù lúc này đã hơn 60 tuổi. Tag: máy quạt nước đài loan

Họ bắt đầu triển khai các mô hình thí điểm, tận dụng công nghệ Israel để trồng cà chua, ớt chuông, dưa lưới. Chỉ sau ba tháng kể từ ngày xuống giống, lứa dưa đầu tiên ngay lập tức đạt tiêu chuẩn GlobalGap vì tất cả khâu triển khai đã tuân đúng quy chuẩn ngay từ đầu.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, khái niệm đạt chuẩn quốc tế, hay cụ thể là GlobalGap vẫn còn xa lạ với thị trường Việt Nam. “Khi tôi đưa những quả cà chua đẹp trong nhà kính đến các siêu thị thì họ nói nếu chúng tôi bán bằng giá với những nhà cung cấp khác thì mua, còn không thì thôi vì họ không quan tâm đến các tiêu chuẩn ấy. Rất may là dưa lưới được chấp nhận vì lúc ấy chúng tôi là một trong những doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên trồng dưa lưới thành công”, CEO nhớ lại.

Những quả cà chua bị từ chối trở thành món hàng cho không với người dân địa phương bởi không thể tiêu thụ ra thị trường. Liêm quyết định chỉ tập trung toàn lực vào dưa lưới, nhưng thách thức luôn chực chờ thử lửa đam mê.


Khó khăn bủa vây

“Quỹ đất có 411 ha, nhiệm vụ của tôi là phải tìm được mô hình cây trồng phù hợp với khả năng đầu tư của những trang trại, nông hộ bình thường để có thể chuyển giao. Vì thế, mặc dù dưa lưới thành công nhưng tôi chỉ có thể đầu tư vài ha và nghiên cứu những mô hình khác”, Liêm giải thích.

Trồng dưa lưới cần phải có nhà kính, trong khi đó đầu tư hạng mục này thời điểm 2009-2010 ngốn hàng chục tỷ đồng cho một ha nên rất khó có thể chuyển giao cho người dân. Bên cạnh đó, mảnh đất nông nghiệp của Liêm thành lập đứng dưới sự cam kết cùng lãnh đạo tỉnh Bình Dương là xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra giá trị cao và sau đó chuyển giao rộng rãi cho các tầng lớp nông dân.

Liêm và cộng sự tiếp tục bắt tay triển khai những mô hình khác như cà tím, măng tây, các loại rau ăn lá... Thành công và thất bại cứ liên tục nối đuôi nhau, trong khi thị trường không ngừng biến động và giá cả lúc trồi, lúc sụt. Cần một khoảng thời gian dài để chọn cây trồng tốt và thị trường chấp nhận, cần một thời gian khác để mở rộng diện tích lớn, bỏ ra chi phí và trong suốt những khoảng thời gian đó thì phải đứng trước thách thức không có doanh thu. Liêm cho biết tại thời điểm đó, trên thực tế Unifarm có doanh thu nhưng không ổn định. Với mỗi ha nhà kính trồng dưa lưới thì cứ 75 ngày sẽ thu hoạch một lứa, tức chu kỳ có tiền sẽ diễn ra vào khoảng 2 tháng một lần. Trong khi đó, chi phí đầu tư và vận hành cao nên số tiền thu được hầu hết không bù đắp được chi phí.

Anh cho rằng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là đương nhiên trong ngảnh nông nghiệp, kể cả các tiêu chuẩn GlobalGap, điều quan trọng là phải dùng đúng thuốc, liều lượng, cách ly đúng thời gian quy định. Có thời gian Unifarm thử nghiệm cà tím và trong vòng 3-4 tháng dự kiến có thể cho doanh thu 300-400 triệu đồng. Tuy nhiên, khi triển khai trên thực tế thì liên tiếp gặp các bệnh hại, dịch hại từ côn trùng lạ, nếu muốn bảo quản tốt thì phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo tư vấn của khách hàng nước ngoài, trong khi yêu cầu là phải hái quả mỗi ngày để đảm bảo cung ứng cho nhà phân phối, có nghĩa không có khoảng thời gian cách ly nào. Vì vậy, Liêm quyết định từ bỏ vì muốn ứng dụng những gì tốt nhất của thế giới để chuyển biến nền nông nghiệp theo hướng an toàn hơn.

Đến 2011, sau gần 20 lần thử nghiệm, họ đã tìm ra được loại cây chủ lực có thể nhân rộng cho bà con sau này: chuối. Tiềm năng sẵn có khi thích hợp với khí hậu Việt Nam, chuối của Unifarm ban đầu vẫn không tìm được nguồn ra dù có sự hỗ trợ của chuyên gia Israel, công nghệ tưới nhỏ giọt, chăm sóc trái đẹp và đạt chất lượng không thua kém so với quốc gia vốn nổi tiếng xuất khẩu chuối là Philippines.

“Tôi chỉ có thể bán cho các nhà máy chuối sấy nhưng họ cũng không cần số lượng lớn và đẹp như của mình mà tiêu chí rẻ được đặt lên hàng đầu. Tôi thì muốn làm sản phẩm chất lượng có thể bán ở các kênh hiện đại và phục vụ cho người dân Việt Nam vì Unifarm là đơn vị trồng chuối có chứng nhận GlobalGap đầu tiên và duy nhất của Việt Nam”, anh chia sẻ.

Sau hai năm liên tục thay đổi và cập nhật công nghệ mới, Liêm tự tin liên hệ và chính thức trở thành đối tác của Dole - một trong những công ty sản xuất và tiêu thụ trái cây lớn nhất thế giới có trụ sở chính ở Mỹ. Đến 2016, cuộc hợp tác tiến một bước mới khi Unifarm phát triển dự án 1.000 ha chuối cho Dole, trở thành đối tác độc quyền của hãng ngoại tại Việt Nam. Mặt khác, tại thị trường Việt Nam, công ty có thể bán chuối với cả hai thương hiệu: Dole và Unifarm.

Nguồn: startup.vnexpress.net/tin-tuc/hanh-trinh-khoi-nghiep/9-nam-theo-duoi-nong-nghiep-sach-cua-ceo-8x-3818817.html?utm_source=search_vne

Các chủ đề cùng chuyên mục: