Hàng chục năm đeo đuổi nghề trồng rau mà không đủ ăn, anh Dũng quyết tâm chuyển đổi sang mô hình nuôi thỏ. Sau mấy năm thất bại, anh Dũng đã tìm ra mô hình- [replacer_a] quy mô lớn, đem về cho gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Sau vài cuộc hẹn, chúng tôi có dịp ghé thăm trại nuôi thỏ của gia đình anh Nguyễn Văn Dũng tại thôn Châu Sơn, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Trang trại thỏ quy mô 4.000 con được thiết kế khoa học, thỏ được uống nước từ hệ thống nước tự động, có quạt làm mát mùa nóng và hệ thống sưởi ấm mùa lạnh.



Anh Dũng sinh ra tại mảnh đất xứ rau Đơn Dương, gia đình anh có truyền thống trồng rau. Khi lớn lên, anh Dũng lập gia đình và tiếp tục gắn bó với nghề trồng rau, quanh năm cần mẫn làm ăn nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau. Thu nhập từ mảnh vườn trồng rau rất bấp bênh, lúc được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa.

Sau nhiều đêm trăn trở, anh nghĩ không thể để cái nghèo, đói mãi bủa vây gia đình mình được. Anh quyết định tìm hướng đi mới cho mình và con thỏ lúc đấy được anh chú ý tới. Nghĩ là làm, năm 2005 anh gom góp hết vốn liếng của gia đình, vay mượn thêm mua về 30 con thỏ và tự đóng chuồng nuôi.

Nuôi thỏ với người mới bước vào nghề như anh không hề đơn giản, nhưng với sự chịu thương chịu khó, sau 2 năm đàn thỏ của anh đã phát triển lên 1.000 con. Nhưng lúc này, anh lại vấp phải khó khăn lớn khi đàn thỏ phát triển thành quy mô lớn thì xảy ra dịch bệnh, có lúc thỏ chết gần hết.

Trang trại thỏ được thiết kể khá khoa học, thỏ được uống nước từ hệ thống nước tự động, có quạt làm mát mùa nóng và hệ thống sưởi ấm mùa lạnh

Không nản lòng, anh Dũng tự nhủ rằng: “Mình vấp ngã ở đâu, sẽ đứng lên ở đấy”. Thế là một lần nữa, anh chạy ngược xuôi tìm hiểu các kỹ thuật chăn nuôi và phát triển đàn thỏ quy mô lớn để vực dậy đàn thỏ của mình.

Từ kinh nghiệm đúc kết được sau nhiều lần thất bại, anh Dũng gầy dựng lại đàn thỏ của mình và hình thành trại thỏ như hiện nay. Hiện gia đình anh Nguyễn Văn Dũng đã sở hữu trại thỏ có quy mô lớn nhất nhì huyện với hơn 4.000 con, trong đó có 500 con thỏ sinh sản. Bên cạnh việc nuôi thỏ, gia đình anh trồng thêm 1 ha cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn dồi dào cho con thỏ.

Anh Dũng chia sẻ kinh nghiệm: “Con thỏ sinh sản rất nhanh, một năm khoảng 5 lứa, mỗi lứa từ 7-8 con. Thỏ nuôi khoảng 4, 5 tháng là có thể xuất bán được. Thỏ con sau sinh 30 ngày sẽ được tách mẹ, đó là thời điểm thỏ con dễ mắc bệnh đường ruột nên phải chú ý đảm bảo thức ăn sạch và liều lượng vừa đủ. Nuôi thỏ không quá khó nhưng cần chăm sóc và có chế độ ăn uống hợp lý, nguồn thức ăn phải đảm bảo. Khâu vệ sinh chuồng trại cũng rất quan trọng, luôn phải sạch sẽ, mùa lạnh phải được giữ ấm”.

>>Xem thêm: [replacer_a] mang lại giá trị kinh tế cao

Hiện mỗi ngày bình quân trại thỏ của anh bán ra khoảng 12- 15 con, mỗi con giá 220.000 đồng, mỗi tháng gia đình thu về từ 70- 80 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ thỏ của gia đình anh chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn các huyện lân cận và TP Đà Lạt.

Nhờ nuôi thỏ, kinh tế gia đình anh Nguyễn Văn Dũng ổn định hơn, dự định trong thời gian tới gia đình sẽ phát triển số lượng đàn thỏ lớn hơn để đủ cung cấp cho thị trường. Tương lai, anh Dũng muốn phát triển trang trại thỏ theo tiêu chuẩn VietGAP để cung cấp đến người tiêu dùng sản phẩm thỏ thương phẩm sạch và an toàn.

Hiện mô hình nuôi thỏ của anh Nguyễn Văn Dũng đang là điểm tham quan, học hỏi trao đổi kinh nghiệm của nhiều nông dân trong vùng. Mô hình kinh tế mới này không những làm giàu cho gia đình anh mà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương.






Ông Nguyễn Hùng Lân – Chủ tịch Hội Nông dân xã Lạc Xuân đánh giá cao về mô hình chăn nuôi thỏ của anh gia đình Dũng: “Trước đây gia đình anh Dũng thuộc hộ nghèo trong xã. Sau khi chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi thành công đã vươn lên trở thành một trong những hộ khá giả của địa phương. Chúng tôi sẽ khuyến khích nhân rộng mô hình nuôi thỏ cho bà con và phối hợp với các cấp, ngành tìm đầu ra cho thỏ để mọi người yên tâm sản xuất”.