Đôi nét về Mộc Châu

Mộc Châu là một huyện của tỉnh Sơn La, huyện gồm có hai thị trấn: Mộc Châu và nông trường Mộc Châu. Tiếp giáp với huyện Phù Yên ở phía bắc, với tỉnh Hòa Bình về hướng đông nam, phía tây thì giáp với Lào, giáp Thanh Hóa ở phía nam, hai huyện Bắc Yên và Yên Châu theo hướng tây bắc. Đây sẽ là một điểm du lịch vô cùng thú vị và hấp dẫn đối với tất cả mọi người.

Đi đâu khi tới mộc châu?

1. Hang Dơi hay còn gọi là động Sơn Mộc Hương

Hang Dơi xưa được người Thái gọi là hang Sa lai (Hang Nước) vì trong lòng núi có mạch nước ngầm lớn trong xanh mát lạnh chảy quanh năm không bao giờ cạn, là nguồn nước cho bà con thị trấn Mộc Châu. Sở dĩ có tên Hang Dơi vì xưa kia có những đàn dơi lớn cư ngụ trong hang, nay chúng đã di cư đi nơi khác, vì thế sau này Hang Dơi trong nhiều sách du lịch mang một cái tên mỹ miều hơn là động Sơn Mộc Hương.

2. Cao nguyên Mộc Châu

Những con đường đất đỏ vòng vèo như khuỷu tay, với những khung cảnh tự nhiên luân chuyển liên tục toát lên vẻ đẹp của núi rừng, từ lâu thiên cảnh ở cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) được xem như một nàng tiên đang chìm đắm trong giấc ngủ, chờ bước chân du khách đến thưởng ngoạn, khám phá.

3. Thác Dải Yếm

Thác Bản Vặt, hay thác Dải Yếm (thuộc xã Mường Sang, Mộc Châu, Sơn La) được biết đến như một địa danh gắn liền với lịch sử cư trú từ xa xưa của tộc người Thái. Nơi đây vẫn còn giữ được nhiều nét nguyên sơ do thiên nhiên ban tặng.
Ấn tượng về nơi này là một khung cảnh hoang sơ, u tịch và huyền bí đến mê mẩn lòng người. Giữa rừng cây xanh thẳm, cao lênh khênh như đùa giỡn với đất trời là một thác nước hai tầng ngày đêm đổ nước trắng xóa.
Mới đặt chân xuống bậc thang dẫn tới thác đã nghe thấy bản giao hưởng của miền sơn cước với những tiếng ầm ầm, xì xèo của dòng nước đổ hòa lẫn với tiếng chim hót, vượn kêu, gợi về quá khứ của thuở khai thiên lập địa.

4. Rừng thông Mộc Châu

Rừng thông Bản Áng thuộc xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Đây là khu du lịch lý tưởng. Hai dãy hồ nước chạy đài theo hướng Đông – Tây với độ cao thấp khác nhau, hai hồ nước tự nhiên 750m2 và 4000m2 nằm sát cạnh rừng thông có diện tích 43 ha gồm 2 chủng loại thông địa phương, thông Đà Lạt trải dài trên dãy đồi đất Feralít đỏ nâu đã tạo cho nơi đây thành một cảnh quan tự nhiên tuyệt đẹp. Nếu đến Bản Áng vào ngày rằm tháng giêng du khách có thể tham gia lễ hội “Xe Chả” của người Thái nơi đây.

5. Chùa Chiền Viên

Chùa Chiền Viện, còn gọi là chùa Vát Hồng, nay thuộc bản Vặt, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Chùa được tạo lập từ thế kỷ XIII, do đồng bào Thái Mộc Châu xây dựng, với nghĩa Thái của địa danh nơi xây chùa – “bản Vặt” – chính là âm chệch của “Phật” và tên hội chùa lễ Phật vào tháng 5 âm lịch ở đây là “Chách Vặt, Chách Và”.
Vào thế kỷ XIII, chùa Chiền Viện là một kiến trúc Phật giáo lớn ở miền núi Tây Bắc, với số tượng Phật được thờ trong chùa là: 1 pho tượng lớn, 8 pho vừa, 56 pho nhỏ đều bằng đồng, 2 pho bằng thiếc, 1 pho nhỏ bằng ngà.

6. Ngắm rừng hoa cải trắng ở Mộc Châu

Từ giữa tháng 11 trên Mộc Châu những bông hoa cải trắng đang dần hé nở đón mùa đông về với vùng đất cao nguyên thanh bình. Du lịch Mộc Châu mùa này bạn sẽ được đắm mình vào vẻ đẹp bao la, ngút ngàn của những cánh đồng hoa cải trắng. Du lịch Tây Bắc thời điểm cuối thu, đầu đông nổi bật với vẻ đẹp của hoa Tam giác mạch Hà Giang vào cuối tháng 10, đầu tháng 11. Tiếp nối với hoa tam giác mạch, sang tháng 11 cao nguyên Mộc Châu lại lung linh với sắc trắng tinh khôi của hoa cải.

Đặc sản Mộc Châu:

Mộc Châu có các món đặc sản rất riêng, quý khách không thể bỏ qua những món như: sữa Mộc Châu, chè Mộc Châu, thịt bê chao, cá Hồi Mộc châu, cá suối Mộc châu, cải mèo Mộc châu, cơm Lam, đồ nướng Mộc châu, lợn cắp nách, măng chua Mộc châu, mận, Đào Mộc Châu, rượu ngô, thịt trâu gác bếp, xôi ngũ sắc Người Dao.